Cấu trúc cơ bản Đàn tỳ bà

Đàn tỳ bà cổ của Trung QuốcNam quản tỳ bàTrì Quốc Thiên Vương gảy tỳ bà - tượng tại một ngôi chùa Trung QuốcĐàn tỳ bà Trung Quốc (cạnh đàn cổ tranh) và sáo hồ lô ty tại một cửa hàng nhạc cụ

Cần đàn và thùng đàn liền nhau có dáng như hình quả bổ đôi. Mặt đàn bằng gỗ nhẹ, xốp, để mộc (thỉnh thoảng chúng cũng được vẽ hoạ tiết hoa văn trang trí. Phía mặt cuối thân đàn có một bộ phận để mắc dây gọi là ngựa đàn. Đầu đàn (hoặc thủ đàn) cong hoặc thẳng có chạm khắc rất cầu kỳ, khi là hình chữ thọ, khi là hình con dơi hoặc hình tròn trắng, bên trong chạm nổi bông hoa hay hình lá đề tuỳ từng loại. Nơi đầu đàn gắn bốn hoặc năm trục gỗ để lên dây tuỳ từng loại tỳ bà hay cả liễu cầm.Tỳ bà có nhiều loại, song hầu như tất cả đều có thân đàn hình quả lê, mặt đàn thường làm từ gỗ bào đồng hay gỗ phượng hoàng; phần lưng thân đàn làm từ gỗ hồng sắc, gỗ gụ hoặc gỗ đàn hương đỏ. Cần đàn cong hoặc thẳng tùy theo loại. Đầu cần chạm khắc những biểu tượng lạc quan theo quan điểm Trung Quốc, có thể gắn thêm những hạt đá chất lượng tốt. Loại ở đây dài 94,2 cm; thân đàn rộng 22,5 cm, dầy 4,7 cm.

Ban đầu, tỳ bà có cần đàn 4 phím (gọi là tương 相) nhưng đến đầu nhà Minh nhạc cụ này có thêm những phím bằng tre (gọi là phẩm 品) trên miếng gỗ tăng âm, giúp mở rộng âm vực. Số phím đàn tăng dần từ 10, 14 hay 16 trong thời nhà Thanh, sau đó tăng lên 19, 24, 29 và 30 trong thế kỷ 20. Những phím đàn hình nêm trên cần đàn ban đầu là 4, sau đó được nâng lên là 6 cũng trong thế kỷ 20. Loại tì bà 14 hoặc 26 phím đàn được bố trí gần như tương ứng với quãng một cung và nửa cung trong nhạc phương Tây. Tính từ chốt nâng dây (nut) trên cần đàn, cao độ sẽ là 1 cung -1/2 cung - 1/2 cung -1/2 cung -1/2 cung -1 cung - 1/2 cung -1/2 cung -1/2 cung -1 cung -1 cung - 3/4 cung- 3/4 cung -1 cung - 1 cung - 3/4 cung - 3/4 cung, (vài phím có giọng 3/4 cung hoặc “giọng không rõ ràng”).Riêng người Nộ ở Trung Quốc có loại tỳ bà không có phím, mặt đàn đục các lỗ thoát âm toả tròn, cần đàn thẳng và 4 chốt chỉnh ngắn.

Toàn bộ chiều dài của thân đàn có số đo từ 94 – 100 cm. Phần cần đàn có gắn 4 hoặc 5 miếng ngà voi cong vòm lên gọi là Tứ Thiên Vương. Tám phím chính làm bằng tre hoặc gỗ gắn ở phần mặt đàn cho các cao độ khác nhau. Thuở xưa dây đàn se bằng tơ tằm rồi đem vuốt sáp ong cho mịn, hoặc sử dụng gân bò, ngày nay người ta thay dây tơ bằng dây nilon hoặc thép.

Loại tỳ bà truyền thống có 16 phím trở nên kém phổ biến dần, mặc dù nó vẫn được dùng trong vài loại nhạc địa phương, thí dụ như thể loại Nam Quản (南管). Loại tỳ bà hiện đại dài khoảng 96 cm, có 4 dây, được gắn thêm 6 phím phụ, kết hợp với 18, 24, 25 hoặc 28 phím chuẩn, bố trí khoảng cách 12 âm nửa cung. Bốn dây đàn chỉnh giọng A, d, e, a, với âm vực rộng từ A đến g3. Ngày xưa dây đàn làm bằng tơ se. Trong triều đại nhà Đường, nghệ sĩ chơi đàn bằng các ngón của bàn tay phải, về sau mới thay bằng miếng gảy lớn. Trong thập niên 1950, dây thường được làm bằng thép bọc nilon hoặc dây kim loại, giúp giọng tỳ bà tươi sáng và sôi nổi hơn, có vẻ tương tự âm thanh của đàn mandolin. Tuy nhiên, dây kim loại gây trở ngại là khó gảy bằng móng tay hơn, vì thế người ta thường sử dụng móng giả để chơi đàn. Móng giả thường làm bằng làm bằng nhựa hoặc mai rùa. Tỳ bà có khả năng diễn tả đa dạng cung bậc cảm xúc khác nhau, thường được dùng trong dàn nhạc lớn của Trung Quốc hay đệm cho nhạc kịch. Ngày nay người ta còn sử dụng loại đàn này trong cả nhạc pop và rock.Đàn có bốn dây lên theo 2 quãng 4, mỗi quãng 4 cách nhau một quãng 2: Đô - Fa - Sol - Đô1 hoặc Sol -Đô1 - Rê1 - Sol1. Khi chơi đàn nghệ nhân gẩy đàn bằng miếng đồi mồi hoặc miếng nhựa[1].

Theo cách tính và quan niệm của người Trung Quốc, đàn tỳ bà dài 36 thốn (đơn vị đo), số 3 tượng trưng cho Thiên-Địa-Nhân, số 5 tượng trưng cho Ngũ Hành, 4 dây tượng trưng cho 4 mùa.[2]

Loại tỳ bà mà phần đầu đàn có chạm khắc hình con dơi gọi là Cổ đổng tỳ bà (古董琵琶), còn loại tỳ bà có đầu đàn hình lá đề hay hình tròn trắng chạm khắc hoa gọi là Tử đàn tỳ bà (紫檀琵琶).Ngày nay, với sự phát triển và kế thừa tinh hoa nhạc cổ, tỳ bà Trung Quốc có những mẫu thiết kế mới, sinh động và phong phú hơn lấy cảm hứng từ bức vẽ đàn tỳ bà ở hang Mạc Cao ở Đôn Hoàng; bao gồm: đại viên khúc cảnh tỳ bà (大圆曲颈琵琶), đoản cảnh khúc hạng tứ huyền tỳ bà (短颈曲项四弦琵琶), khúc hạng đại tỳ bà (曲项大琵琶), khúc hạng tứ huyền tỳ bà (曲项四弦琵琶), khúc hạng tứ huyền tiểu tỳ bà (曲项四弦小琵琶), khúc hạng tỳ bà (曲项琵琶), trường cảnh tứ huyền tỳ bà (长颈四弦琵琶), phương đầu trị cảnh tỳ bà (方头直颈琵琶) và khúc hạng bổng trạng tứ huyền tỳ bà (曲项棒状四弦琵琶) [5].

Ý tưởng với tỳ bà 5 dây (Ngũ huyền tỳ bà - 五弦琵琶) cải tiến ngày nay không chỉ đơn giản là tái tạo từ tỳ bà nguyên bản xưa từ thời Đường mà là tạo ra một nhạc cụ biểu diễn độc đáo cho bối cảnh âm nhạc của thế kỷ 21. Nó đã được thiết kế để khai thác các tiềm năng cho sức mạnh biểu cảm và các âm sắc và âm thanh được thực hiện bởi kiến ​​thức hiện đại và phát triển kỹ thuật. Do tỳ bà 4 dây nổi tiếng với âm thanh trầm đục, đanh sắc và độc đáo nên tỳ bà 5 dây nên cộng hưởng hơn, có nhiều âm trầm hơn và khả năng tạo ra các hợp âm của nhiều âm sắc hơn, trong khi vẫn giữ được độ sáng của tỳ bà 4 dây. Trình Ngọc là người phát minh ra tỳ bà cải tiến 5 dây vào năm 2004[6]. 5 dây của tỳ bà loại cải tiến này ứng với ngũ âm (Cung, Thương, Giốc, Chủy và Vũ).

Ngày nay, ngoài tỳ bà được làm từ gỗ thì người Trung Quốc cũng sản xuất tỳ bà với nguyên liệu từ nhựa PVC nhưng âm thanh của nó không hề thay đổi. Năm 1936, hai loại tỳ bà gồm lục huyền tỳ bà (六弦琵琶 - tỳ bà 6 dây) và bát huyền tỳ bà (八弦琵琶 - tỳ bà 8 dây) được chế tác bởi Vệ Trọng Nha (卫仲乐).